Dạo gần đây mình tính có baby nên đa phần nghiên cứu các sản phẩm tốt cho mẹ bầu và cho con bú. Để tốt cho em bé mình tìm hiểu được biết nên ngưng các sản phẩm mình hay xài có chứa Retinoids và BHA (Salicylic acid) trước 3 tháng hay tệ nhất là 1 tháng để cơ thể tự đào thải. Nhưng mình cần tìm một loại thay thế Retinoids (Vitamin A), vẫn giúp da sáng và bớt các vết thâm do mụn. Và nó là đây.

Tổng hợp một chút về vitamin C

Cách lựa chọn vitamin C: Mình đọc thông tin để biết thì nhiều nhưng cuối cùng cũng chọn theo sở thích

#1: Chọn loại Vitamin C tốt nhất cho loại da của mình

Bảng tóm tắt mình đã liệt kê theo thứ hạng tác dụng mạnh từ cao đến thấp rồi. Nhưng loại C nào ổn định trong môi trường PH thấp thì thường gây kích ứng da. Nếu bạn muốn quan tâm đến việc chống lão hoá da thì nên chọn LAA, MAP và THDA. Còn nếu bạn chỉ mới bắt đầu chăm sóc da không tập trung vào việc lão hoá hoặc da bạn thuộc loại quá nhạy cảm thì bạn có thể chọn SAP. (Mình đang xài OZ Natural là một dạng SAP rất nhẹ nhàng)

LAA là nữ hoàng của Vitamin C. Đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh LAA tác động sâu đến lớp trung bì của da (giống Retinoids và một số AHA) và nó thực hiện tốt 3 chức năng chính là giảm sắc tố da, tăng khả năng tái tạo collagen và tăng khả năng bảo vệ da khỏi tác hại tia UV. LAA trên 10% thì có tác dụng làm trắng. Nhược điểm là sẽ gây kích ứng với một số bạn có da nhạy cảm.

Mình đọc được một bài review về CEF của Skinceutical, Paulachoices và Timeless vô cùng chi tiết. Mình dẫn link mọi người tham khảo nếu có nhu cầu.

Obagi cũng là một sản phẩm đáng chú ý: https://labmuffin.com/yes-you-could-probably-use-some-vitamin-c-obagi-professional-c-serum-review/

MAP là một giải pháp thay thế hoàn hảo của LAA cho những bạn nào không thể xài được LAA. Ở cùng nồng độ thì khả năng chống oxy hoá, tăng cường khả năng tái tạo collagen ngang ngửa LAA. Ở nồng độ trên 10% MAP cũng có tác dụng làm trắng da nhưng khả năng thấp hơn LAA, ngoài ra chưa có dữ liệu nghiên cứu khoa học về khả năng bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV nên MAP chỉ xếp thứ 2.

ATIP (tên khác THDA): Đây là một loại C tan trong dầu nên khả năng thẩm thấu vô da tốt hơn các dạng tan trong nước, THDA cũng ổn định, ít bị oxy hoá nhưng giá thành cao nên ít xuất hiện trong các sản phẩm dưỡng da.

AA-2G: Em này cũng nhẹ nhàng và có thể chuyển hoá thành LAA, ở nồng độ 2% thì có tác dụng chống oxy hoá và tái tạo collagen. Nhưng mình đọc thông tin thì khả năng giảm sắc tố da của em này không cao. Mình đã từng có kinh nghiệm xài Estee Lauder Idealist, da sáng, đều màu nhưng trị các viết đen và thâm mụn thì không hiệu quả.

SAP: theo quảng cáo của sản phẩm OZ Natural thì có thể chuyển hoá thành LAA, nhưng mình chưa đọc bài nghiên cứu nào nói điều này cả. Thôi cứ tạm xem là không thể chuyển hoá đi. SAP có những đặc tính tốt: nhẹ nhàng, dễ thẩm thấu, tăng tổng hợp collagen, ở nồng độ 20% thì có khả năng làm trắng và rất có ích cho loại da sau một thời gian đã bị tổn thương do mụn. Tất nhiên mẹ bầu thì xài rất ổn.

Cá nhân mình thì hiện tại không ưu tiên chọn LAA. LAA cần phải được bảo quản trong tủ lạnh, mình ở tầng 3 mà tủ lạnh ở tầng trệt không lẽ cứ mỗi lần dùng lại đi bộ lên xuống. Với lại dùng mỹ phẩm là để tận hưởng cảm giác chăm sóc bản thân và relax, mua một chai LAA về xong cố xài cho hết 3 tháng hoặc khi nào nó bị oxy hoá thì vứt mình thấy sao mệt mỏi lạ kỳ. Chưa kể mấy loại LAA có formula tốt tốt thì giá cũng hơi chát. Sao xài gì mà áp lực quá. Thôi đi, một ngày đẹp trời nếu cần quá mình sẽ mò đến LAA.

#2: Nồng độ Vitamin C.

Theo nhiều nghiên cứu, LAA ở nồng độ dưới 20% là đủ để hấp thụ, cao hơn thì dư mà còn có thể gây nhiều kích ứng. Dưới 20%, ở nồng độ càng cao thì có thêm nhiều chức năng hơn và tác động mạnh hơn. Các dạng C tan trong nước khác cũng tương tự.

#3: Bao bì

Để hạn chế sự oxy hoá thì C nên được đựng trong chai thuỷ tinh tối màu. Mình thích chai thuỷ tinh có ống nhỏ giọt mà càng ít càng tốt, tối màu.

#4: Hương thơm

Mình không thích sản phẩm dưỡng da có mùi thơm lắm. Có một vài loại C có hương rất kỳ, dù có tốt và được quảng cáo là organic mình cũng chẳng thích. Những chai trong hình ngoài C15 của Paulachoices thì mùi hơi kỳ còn lại thì ok.

#5: Giá tiền

Những thứ chất lượng cao thì không bao giờ có giá rẻ. Vitamin C là một chất rất không bền vững và để ổn định thì phải đi kèm một vài thành phần khác (ví dụ: LAA thì cần có Ferulic Acid), đúng độ PH và công thức khá phức tạp. Vậy những thành phần đắt tiền cùng với công càng phức tạp càng tiên tiến thì càng mắc. Nên Timeless vitamin C khó lòng có thể ngang hàng với CEF của Skinceutical.

Nhưng ngược lại những thứ mắc thì chưa chắc đã có chất lượng cao. Hì hì. Nói hề vốn quá, nhưng cách tốt nhất là chọn sản phẩm hợp với túi tiền của mình và tân hưởng nó rồi xem tác dụng của nó trên da mình. Về bản thân mình nếu so sánh Estee Lauder Idealist và OZ Natural thì mình thích OZ hơn dù nó rẻ hơn nữa giá.

Mình đuối òi, mà hình như cũng đã xong phần cơ bản. Hôm nào mình sẽ review vài sản phẩm C và sẽ cập nhập khi tìm hiểu thêm thông tin mới.

http://www.justaboutskin.com/2015/09/vitamin-c-serums/

http://thebeautybrains.com/2014/05/which-kind-of-vitamin-c-is-best-for-skin-the-beauty-brains-show-episode-31/

https://labmuffin.com/vitamin-c-what-does-it-do-for-your-skin/

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5579659/

Leave a comment